16 tháng 3, 2012

Hoãn..."chuyện ấy" vì con

Tại sao bạn có thể phải nói KHÔNG với sex trong quá trình mang thai?

Trong hầu hết các trường hợp thì bạn CÓ thể sex trong quá trình mang thai. Nếu bạn không có biến chứng gì và quan hệ tình dục không là nguy cơ cho bạn hoặc em bé của bạn. Em bé được bảo bọc bởi một lớp đệm là nước ối trong lòng tử cung và một lớp cơ. Ngoài ra, chất nhầy ở cổ tử cung sẽ giúp bảo vệ bé chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên lớp này không phải là bất khả xâm phạm, vì vậy nếu bạn hoặc chồng bạn có quan hệ tình dục với người khác thì bạn cần phải sử dụng bao cao su để tự bảo vệ mình và bảo vệ em bé của bạn khỏi các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, bạn có thể thay đổi tư thế hoặc phải tránh quan hệ tình dục trong một khoảng thời gian nhất định hoặc trong suốt thai kì. Đó là khi bạn có những hiện tượng sau:
-          Rau bám mặt trước (hay còn gọi là rau tiền đạo)
-          Đã có tiền sử sinh non, hoặc dọa sinh non trong thai kì này
-          Âm đạo chảy máu và tiết dịch bất thường mà chưa tìm ra nguyên nhân.
-          Bụng đau quặn.
-          Suy cổ tử cung
-          Cổ tử cung giãn nở bất thường.
-          Có hiện tượng rò ối
-          Có hiện tượng herpes sinh dục ở bạn hoặc ở chồng (hay bạn tình). Ngay cả khi họ đã có tiền sử bị herpes và không có các vết loét hay triệu chứng.
-          Không giao hợp bằng miệng nếu có hiện tượng herpes (mụn rộp)
-          Các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (trừ khi bạn và đối tác đã được điều trị dứt điểm và không còn ảnh hưởng gì)
Trong một số trường hợp nhất định, bác sĩ sẽ có những lời khuyên cụ thể. Ví dụ nếu bạn đã từng bị sinh non trước đó thì bạn có thể được khuyên ngừng sinh hoạt tình dục ở tam cá nguyệt thứ 2 và tam cá nguyệt thứ 3 (một chu kì thai được tính bằng 3 tam cá nguyệt, mỗi tam cá nguyệt tương ứng với 3 tháng mang thai), để đảm bảo bạn có thể giữ em bé đủ 37 tuần.
Cho dù bạn gặp bất kì triệu chứng nào, đừng ngại ngần chia sẻ và xin lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ là người tư vấn cho bạn tốt nhất, đặc biệt là sự cực khoái trong giao hợp cũng có thể gây ảnh hưởng tới em bé vì gây ra những cơn co thắt tử cung nhẹ, tránh kích thích núm vú  trong trường hợp này)
Không được quan hệ tình dục trong thời kì mang thai có thể khiến bạn mất tự tin với chồng, nhưng bạn hãy khám phá những cách biểu lộ tình yêu khác để vẫn làm thỏa mãn tình yêu của mình dành cho chồng như ôm ấp, hôn, massage cho nhau và cùng chia sẻ cảm xúc với nhau.
  • Tại sao bạn phải kiêng vận động và tập thể dục trong thời kì mang thai.
Đôi khi tập thể dục trong thời kì mang thai hay vận động mạnh đều bị nghiêm cấm để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và em bé. Hãy xin tư vấn của bác sĩ để biết được bạn có nên tập thể dục hay không, hay cần phải thay đổi chế độ tập luyện khác.
Bạn nên tìm đến bác sĩ tư vấn khi có một trong số những triệu chứng sau:
-          Bạn bị bệnh tim hoặc phổi.
-          Suy cổ tử cung
-          Mang đa thai
-          Có nguy cơ sinh non
-          Chảy máu trong tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3
-          Rau tiền đạo sau 26 tuần
-          Đã có tiền sử sinh non
-          Vỡ màng ối hoặc rò rỉ nước ối.
-          Tiền sản giật (mang thai gây ra cao huyết áp)
-          Huyết áp cao mãn tính
-          Thiếu máu nặng.
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ tư vấn trực tiếp cho bạn nên có chế độ tập luyện thế nào cho phù hợp, bởi tập luyện trong thời gian mang thai sẽ rất tốt cho sức khỏe của bạn và em bé. Bạn vẫn có thể tập thể dục nhưng nên hạn chế, chỉ cần tập các bài tăng cường cánh tay và cho lung của mình.
Tuy nhiên,  nếu bạn có một trong số những triệu chứng sau thì phải ngừng tập thể dục ngay lập tức:
-          Chảy máu âm đạo
-          Chóng mặt, cảm giác nôn nao
-          Khó thở
-          Đau đầu
-          Đau ngực
-          Yếu cơ
-          Bắp chân đau hoặc sung (hoặc có hiện tượng tụ máu)
-          Đau lưng và đau vùng xương chậu.
-          Có các cơn co thắt
-          Em bé giảm chuyển động (nên tìm hiểu cách theo dõi sự chuyển động của em bé nhưng bạn nên nhớ là em bé thường yên tĩnh nhất khi bạn đang hoạt động nhiều nhất)
-          Có dịch chảy ra từ âm đạo bất thường
-          Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực.
  • Sự nhiễm trùng có thể ảnh hưởng tới thai nhi
Chẳng có gì thú vị khi bạn bị bệnh, đặc biệt là trong thời kì mang thai. Điều này gây ra sự lo lắng cho bạn về sức khỏe của cả 2 mẹ con. Có thể rất may mắn là bạn có khả năng miễn dịch với một số bệnh truyền nhiễm. Nhưng bạn cũng nên biết rằng sốt rubella (hay còn gọi là sởi Đức) là một dạng nhiễm trùng nguy hiểm nhất cho sự phát triển của em bé của bạn. Bởi thế bạn nên đi tiêm phòng sốt rubella tối thiểu 3 tháng trước khi mang thai.
Bạn cũng không cần phải quá lo lắng bởi trong thực tế thì hầu hết các em bé không bị ảnh hưởng gì nếu người mẹ mắc một trong những bệnh nhiễm trùng trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, một số dạng nhiễm trùng có thể truyền sang con qua đường nhau thai hoặc trong quá trình sinh. Và nếu điều này xảy ra thì hậu quả có thể rất nghiêm trọng cho em bé. Hơn nữa, một số nhiễm trùng có thể làm cho bạn bị bệnh nặng hơn nếu bạn nhiễm phải trong khi bạn mang thai hoặc có thể dẫn tới sinh non.
Mặc dù bạn không thể tránh được tất cả các nguồn lây nhiễm bệnh trong thời gian mang thai nhưng bạn có thể thực hiện các bước nhất định để làm giảm nguy cơ lây nhiễm hoặc giảm nguy cơ cho bạn và em bé của bạn.
Việc chăm sóc sức khỏe trước khi sinh là vô cùng quan trọng. Ví dụ việc xét nghiệm máu có thể cho bạn biết liệu bạn có đang bị nhiễm trùng bệnh gì không, chẳng hạn như thủy đậu và rubella.  Ngoài ra bạn có thể thực hiện các xét nghiệm nước tiểu và máu để biết mình có bị nhiễm trùng các bệnh như nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm gan B và HIV. Nếu bạn được phát hiện nhiễm bệnh sớm thì sự chăm sóc và điều trị kịp thời sẽ giảm các biến chứng cho bạn và cho em bé của mình.
Để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, bạn nên dùng các biện pháp cơ bản như rửa tay thường xuyên, không dùng chung ly cốc hoặc đồ dùng, thận trọng với chó mèo, sử dụng găng tay khi làm vườn và tránh tiếp xúc với người bệnh.
Thực hành an toàn tình dục sẽ giúp bạn ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Đến thăm nha sĩ thường xuyên sẽ giúp bạn tránh các bệnh về lợi. Bạn có thể tránh ngộ độc thực phẩm bằng cách không ăn đồ tươi sống, rửa sạch trái cây.
Đây là các bệnh truyền nhiễm trong thời kì mang thai có thể ảnh hưởng tới em bé của bạn:
-          Nhiễm khuẩn âm đạo
-          Bệnh thủy đậu
-          Chlamydia
-          Cytomegalovirus
-          Cúm
-          Lậu
-          Viêm gan siêu vi B
-          Herpes
-          HIV
-          Listeriosis
-          Rubella (sởi Đức)
-          Nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục
-          Bệnh giang mai
-          Toxoplasmois
-          Bệnh do Trichomonas
-          Nhiễm trùng đường tiết niệu
Cho dù bạn mắc bất kì triệu chứng nào, hãy nhanh chóng gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bạn và em bé của bạn nhé.

(MẸ YÊU BÉ 15/3/2012)

8 thói xấu khi tiêu tiền

Bạn luôn rơi vào tình trạng kẹt tiền? Có thể bạn nghĩ rằng đó là do chi phí cuộc sống tăng cao, kinh tế khó khăn hơn mà bạn lại không thể kiếm thêm được nhiều hơn. Nhưng chúng ta hãy nhìn thẳng vào thực tế nhé. Có thể cũng là do chi phí đắt đỏ thật, nhưng đôi khi các vấn đề tài chính của bạn lại bắt nguồn từ thói quen xấu trong tiêu tiền của bạn đấy. Nếu học được cách từ bỏ những thói quen này thì bạn có thể chi tiêu ít hơn và tiết kiệm được nhiều hơn.


Thói xấu 1: Tiêu tiền bạt mạng.
Tiêu tiền không có kế hoạch, không lên trước ngân sách là một thói quen xấu vô cùng tệ hại.Nó chính là nền tảng cho tất cả các thói quen xấu khác và mang tới nhiều hậu quả tệ hại khác. Cũng giống như khi bạn đang lái xe mà bị bịt mắt hay bạn bị lạc trong rừng mà không biết tìm đường ra vậy. Bởi thế, nếu bạn muốn kiểm soát tài chính của mình thì việc lên ngân sách là một việc làm rất thông minh và cần thiết.
Bạn hãy bỏ thói quen xấu này bằng cách ngồi xuống, tự lên một kế hoạch chi tiêu càng chi tiết càng tốt. Các khoản cố định phải tiêu hàng tháng như tiền nhà, tiền điện, nước, điện thoại, internet, tiền học cho con, tiền chợ hàng ngày, tiền gas, gạo….Và các khoản không cố định như tiền hiếu hỉ, đau ốm…Nếu sau khi lên kế hoạch mà thấy tiền mình phải tiêu nhiều hơn tiền kiếm được thì cũng đừng quá hoảng hốt, bạn chỉ cần điều chỉnh một chút thì rồi sẽ cân bằng ngay thôi…

Thói xấu 2: Tự biến mình thành con nợ.

Thẻ ATM hay thẻ tín dụng đang ngày càng trở nên hữu ích và phổ biến đối với phần lớn người dân thành thị. Đây là một ưu điểm giúp chúng ta giữ tiền an toàn hơn, không phải mang quá nhiều tiền khi di chuyển, đề phòng mất cắp…Nhưng nó có một mặt hạn chế rất lớn là khiến bạn mất đi sự kiểm soát chi tiêu. Khi bạn quẹt thẻ thanh toán, bạn không “cảm nhận” được số tiền bạn phải bỏ ra và bạn dễ “bốc đồng” với những món đồ hấp dẫn trong siêu thị, shop thời trang…
Hãy thay đổi thói quen này bằng cách tiêu tiền mặt, nếu cơ quan trả lương cho bạn vào thẻ ATM, hãy rút một số tiền nhỏ, đủ dùng trong 1 tuần, và để tiền ở nhà, khi ra ngoài, bạn chỉ nên mang theo một chút tiền phòng thân và nếu có mang thẻ ATM thì cố đừng nghĩ tới nó khi chưa quá cần thiết và gấp gáp. Có thể những ngày đầu bạn cảm thấy bí bức và ngày trôi qua rất căng thẳng với cảm giác không có tiền trong người nhưng rồi bạn sẽ khám phá ra rằng bạn chi tiêu ít hơn và không còn bị phụ thuộc vào đồng tiền nữa.

Thói xấu 3: Quẹt....nát cả thẻ

Điểm mạnh của thẻ tín dụng là cho phép bạn thấu chi, bạn có việc khẩn cấp có thể rút quá số tiền hiện có và coi như là bạn đang nợ ngân hàng. Bạn cần phải hoàn trả khoản nợ cho ngân hàng trước khi bị tính lãi suất rất cao. Nhưng điểm mạnh này cũng sẽ là điểm yếu cho tình hình tài chính của bạn nếu bạn không biết kiểm soát chính mình và thói quen tiêu tiền của mình.
Hãy kiểm soát chiếc thẻ tín dụng của mình thật cẩn thận. Trước khi phải tiêu tiền trong thẻ tín dụng, hãy dừng lại vài giây để cân nhắc xem mình có thật sự cần món đó lắm không? Và nếu bạn đã thấu chi một số tiền lớn trong thẻ mà vẫn chưa có khả năng trả ngay trong tháng, thì hãy mạnh dạn lấy kéo cắt chiếc thẻ đó ra (nhưng không đóng tài khoản nhé), bạn sẽ không còn nghĩ tới chiếc thẻ (sau này bạn vẫn có thể làm lại thẻ khác khi bạn đã trả hết nợ cho chiếc thẻ cũ).

Thói xấu 4: Chỉ tiết kiệm vào cuối tháng.
Nếu bạn nghĩ rằng mình sẽ thoải mái hơn khi trả hết tất cả các hóa đơn và chi tiêu suốt cả tháng rồi cuối tháng nếu còn tiền mới bỏ vào tiết kiệm thì nên nghĩ lại. Đây thật ra là một thói quen rất xấu và nguy cơ bạn không có tiền tiết kiệm là rất cao, bởi vì khi bạn còn có tiền thì bạn luôn tìm ra thứ cần phải tiêu.
Hãy từ bỏ thói quen này bằng cách coi mình là chủ nợ quan trọng nhất của mình. Bạn cần phải trả tiền cho mình đầu tiên. Nghĩa là, hàng tháng, bạn cần định mức một khoản tiết kiệm và gửi ngay chúng vào ngân hàng hoặc làm một chiếc thẻ ATM riêng để giữ số tiền đó. Những khoản tiết kiệm này, dù nhỏ, cũng là một khoản đáng kể khi bạn cần đến, đặc biệt trong tình huống ốm đau đột xuất hoặc có việc đột xuất không dự tính trước.

Thói xấu 5: “Thăm” ATM quá nhiều.
Bạn thường xuyên ghé vào ATM rút tiền, vào bất kì lúc nào, bất kì giờ nào và bạn gần như không nhớ được mình đã rút tiền từ ATM bao nhiêu lần trong tháng. Điều này vô cùng nguy hiểm, bởi chính bạn không thể nhớ được mình đã tiêu tiền vào khoản gì, cuối cùng, số tiền cuối tháng bị thâm hụt giống như bạn bị “đánh cắp” vậy.
Hãy từ bỏ thói quen này bằng việc mỗi tuần chỉ rút tiền từ ATM một lần, và số tiền đó được chia vào từng phong bì ghi rõ tiền chi tiêu vào việc gì…Hãy chỉ tiêu tiền từ những chiếc phong bì đã được lên kế hoạch sẵn, không cho phép mình tiêu nhiều hơn.

Thói xấu 6: Không bận tâm tới báo cáo tín dụng.
Nếu bạn dùng thẻ tín dụng, đặc biệt là tín dụng quốc tế thì hãy lưu ý thông tin này: một số báo cáo tín dụng gửi về cho bạn thường lỗi. Và bạn, như hầu hết nhiều người, thường bỏ qua việc kiểm tra xem có gì sai sót không. Hãy từ bỏ thói quen này bằng việc ghi lại những khoản chi bằng thẻ tín dụng vào một cuốn sổ và kiểm tra lại khi có báo cáo của ngân hàng gửi về.

Thói xấu 7: Không trả tiền đúng thời hạn.

Bạn thường hay trì hoãn các khoản nợ với tâm lý vẫn chưa tới hạn phải trả, và số tiền thay vì trả nợ sẽ có lúc bạn tặc lưỡi tiêu vào khoản khác. Và số nợ sẽ bị tính lãi suất, thậm chí là lãi suất cao nếu không được trả đúng hạn. Hãy từ bỏ thói quen này bằng việc trả nợ ngay khi có thể, dù chưa tới hạn. Điều đó giúp bạn thanh toán được nợ nần mà số tiền trả lãi cũng giảm đi.

Thói xấu 8: Tốn quá nhiều tiền cho giặt khô là hơi.
Bạn có rất nhiều đồ len, dạ, lụa và hàng tháng bạn tốn khá nhiều tiền để giặt khô, là hơi chúng? Tuy nhiên bạn có thể tiết kiệm số tiền này bằng cách giặt chúng với những chất tẩy rửa nhẹ như sữa tắm, dầu gội và giặt bằng nước lạnh. Điều đó có nghĩa là, thay vì phải trả tiền, bạn có thể tìm ra những cách ít tốn kém hơn cho chính cuộc sống hàng ngày của mình.

(MẸ YÊU BÉ: 15/3/2012)

Em về

Em về..
Tha thiết thương anh
Để nghe câu hát
Chòng chành...
Nhớ nhau...

Em về
Nén lại nỗi đau
Ngày sau còn nhớ
Ngày sau kiếm tìm?

Em về...
Thôi cứ lặng im
Mình duyên phận mỏng
Biết hờn trách ai

Em về
Hứng giọt nắng mai
Em tô mắt biếc
Em tô má hường

Em về
Câu hát nhớ thương
Giữ trong ngực ấm
Còn vương nỗi buồn..

Tầm xuân nở muộn

Buổi sáng, Xuân có thói quen ra biển từ sớm, rất sớm. Khi chỉ có một mình chị đối mặt với biển, thầm thì kể chuyện xa xưa…cái thời chị yêu anh vụng dại, mối tình nông nổi đã đi qua. Cái thời chị tập tễnh viết cho anh bài thơ đầu tiên, khi chị đứng trước biển như bây giờ:

Đã bao giờ đứng trước biển mùa đông?
Anh cảm nhận sự cô đơn của cát
Sóng vô tâm, còn nắng thì quá nhạt,
Dã tràng xe đến bao giờ mới lấp được biển sâu…?

Nhiều năm đi qua. Thời gian đã đi qua, kỉ niệm đã đi qua. Và tuổi trẻ nông nổi của chị cũng đã đi qua. Nhưng mỗi sáng, khi đứng trước biển, chị lại thầm thì đọc cho biển nghe bài thơ ấy. Đó là thời khắc duy nhất trong ngày chị được sống thật với mình, với thế giới riêng của mình. Nhà chị, năm mạng người chen nhau vào căn hộ 18m2, tít trên tầng 5. Chị làm gì cũng bị người này nhòm, người kia ngó. Đôi khi thèm được khóc mà chị cũng phải nén mình lại. Chị sợ cái ngấm nguýt của đứa em dâu, cái nhìn trĩu nặng lo âu của mẹ và cái thở dài sườn sượt của cha. 28 tuổi, chị vẫn sống lặng lẽ, không chơi bời, không sinh nhật. Chị lầm lũi đi về tránh cái nhìn ái ngại của mẹ. Những cái nhìn thoáng một tia khó hiểu. Cũng phải thôi, chị xinh và có duyên,có công ăn việc làm ổn định – giáo viên giỏi của trường điểm- vậy mà….Nhưng không ai hiểu được chị. Mối tình đầu đi qua đã để lại vết khắc khá sâu trong trái tim chị mà chưa có ai đủ sức lấp đầy. Chị vẫn lên lớp, giảng cho học sinh về sự thiêng liêng của tình yêu. Về niềm tin trong cuộc sống mà chính chị lại thảng thốt giật mình như người bị đánh cắp niềm tin…
Ngày ấy, vừa bước qua tuổi 20, là sinh viên năm thứ 2 nhưng Xuân còn hồn nhiên và vô tư lắm. Chị được “tôn” là hoa khôi với nụ cười rạng rỡ. Chưa một lần trái tim lạc nhịp trước bao người con trai tình nguyện trồng cây si trước cửa nhà chị. Nhưng lần đầu tiên gặp anh trên bãi biển  buổi sáng sớm năm ấy khi chị đi dạo một mình và anh cũng thế - người đàn ông cao to, ánh mắt cương nghị và chị thảng mình vào đôi mắt ấy. Đôi mắt nâu thăm thẳm, nâu như chưa từng nâu như thế bao giờ. Chị mở to đôi mắt đen láy nhìn anh rất lâu. Như bị anh cuốn vào đôi mắt ấy. Và rồi chị yêu anh với tất cả niềm tin, sự khờ dại của mối tình đầu. Chị tin yêu anh tuyệt đối, người đàn ông có đôi mắt nâu kì lạ ấy. Để rồi gần như quỵ ngã khi phát hiện ra bị lừa dối. Anh biện bạch rằng anh đã nhầm lẫn sự say mê và tình yêu với chị. Anh nói nhiều nhưng dường như chị không nghe thấy gì cả. Chị ngồi im bất động, mắt ráo hoảnh và trái tim như đã đóng băng không cảm xúc. Chị hờ hững và lạnh nhạt nhìn thẳng vào mắt anh, anh lúng túng cúi mặt. Rất lâu, anh đứng lên, đặt tay lên vai chị, nói rất nhỏ “Đừng tin vào cái gì quá nhiều, em ạ” – Chị muốn hét vào mặt anh, nhưng rồi lại lạnh lùng nhìn anh bước đi. Phía trước có một người con gái đang chờ anh với nụ cười rạng rỡ, nụ cười mà chị đã từng có cho anh. Chị nuốt nước mắt vào tim tự thương thân mình mềm yếu, ngu ngơ….
Chị trở thành một con người khác hẳn sau lần đó. Chị ít cười, ít nói, mắt không còn long lanh niềm vô tư như xưa. Đôi lúc, chị cũng cố gắng trước mọi người nhưng nụ cười chỉ được một nửa. Lâu dần, chị có thói quen cười lui mép trái, che đi cái răng khểnh của mình. Có thói quen nhìn đàn ông nheo nheo mắt. Có người bảo chị kiêu, có kẻ nói chị lập dị. Chị thản nhiên và vẫn giữ cho mình thói quen đứng trước biển lúc sáng sớm. Thói quen cắm hoa tầm xuân cùng hoa tigon và thạch thảo. Chị gọi bình hoa của mình là “dĩ vãng”. Đôi lần, chị cũng gặp anh trên phố, sau xe anh lại là một cô gái khác. Chị bình thản nhìn anh. Nhưng chị cũng kịp đọc trong mắt anh một tia bối rối. Khi anh đã đi qua, chị tự dưng mỉm cười một mình.
Một buổi sáng, khi đi ra biển. Chị giật mình bởi “thế giới riêng” của mình đã bị người khác xâm phạm. Chị cau mày lại gần, đó là một anh họa sĩ. Anh ta say sưa vẽ, không hề biết chị đã đứng sau lưng tự bao giờ. Không phải là cảnh bình minh như anh đang ngồi trước biển mà là cảnh hoàng hôn. Chị ngạc nhiên quá đỗi. Chưa có ai ngồi trước bình minh lại vẽ hoàng hôn cả. Mặt trời đỏ ối màu máu như đang cố sức níu kéo thời khắc của ngày. Mặt biển bình yên, ở đó có một người con gái đứng đơn độc, dáng thanh thản. Nhưng ánh mặt trời….Trời ơi, ánh mắt cô ấy chứa bao điều muốn nói, bao điều đã bị kìm nén. Chị giật mình khi nhận ra người con gái đó giống mình. Chị chới với trong mớ cảm xúc hỗn độn. Cái cảm xúc mà từ lâu lắm rồi chị không có và chị ngỡ nó đã chết. Anh quay lại, khẽ nheo mắt nhìn chị, mái tóc xoăn rối bù: “chào cô giáo nhóc” – chị ngạc nhiên rướn mày “Khi 28 tuổi, người ta không còn là nhóc nữa đâu” – Anh cười, nửa chế giễu, nửa khiêu khích. Im lặng. Chị bặm môi, tính bướng bình trỗi dậy: “Này, sao anh lại im lặng?” – Anh lúc lắc mấy sợi tóc lơ phơ trước trán: “Thôi nào nhóc, đừng cáu. 28 tuổi, nếu không là nhóc thì người ta không dễ cáu thế đâu” – Chị quay người, nước mắt chực trào. Anh đứng dậy, tiến về phía chị: “ Xin lỗi cô giáo, tôi chỉ đùa cô chút thôi. Đừng làm ngắt quãng thói quen của mình, dần dần sẽ lười và thành tật xấu đấy” – Chị ngước nhìn anh, chợt cảm thấy mình vô cùng nhỏ bé. Rất tự nhiên, chị co người ngồi xem anh vẽ, tay mải ngoạch những vòng tròn vô định. Chị rùng mình khi nghĩ về số phận.
 Anh trở thành bạn của chị như một lẽ dĩ nhiên. Chị bắt đầu thấp thỏm nếu mỗi sáng anh ra biển muộn. Chị có thể ngồi bên anh rất ngoan hiền và hỏi trăm câu hỏi tại sao. Điều mà trước đây chị chưa bao giờ dám hỏi người ấy. Bởi đơn giản một điều, người ấy cho rằng chị coi anh là học trò với những câu hỏi “tại sao” và “phải không?”. Còn anh, rất nhẹ nhàng giảng giải cho chị từng ly từng tí. Chị thoắt không còn là chị với tuổi 28 già giặn nữa. Và trong bài giảng của chị giờ đây có thêm nhiều ý tưởng về hội họa. Chị thường cho học sinh nếu đem bài văn hay bài thơ ấy vẽ tranh thì sẽ vẽ như thế nào, gam màu gì? Học trò chị háo hức khi nghe chị nói chuyện hội họa. Chúng nghịch ngợm nhưng rất nhạy cảm. Và chị đã lấy lại niềm vui, nụ cười rạng rỡ trước học trò. Chị cũng có thể thao thao với anh hàng giờ về học trò của mình. Những lúc đó, chị thảng thốt khi gặp cái nhìn của anh là lạ. Chị thoáng rùng mình, cố nén lại tình cảm của mình. Chị sợ bất hạnh. Chị sợ, sợ rất nhiều điều mà không định hình nổi là những điều gì. Nhưng linh cảm đã mách bảo chị như thế.
Chơi với anh, chị tìm lại được thói quen uống cà phê mà từ lâu lắm rồi chị đã bỏ. Bao giờ chị cũng gọi cho mình một ly đen đặc sánh. Anh nheo mắt nhìn chị qua ly café chòng chành. Định nói điều gì, lại thôi. Chị hỏi anh, khi nhớ lại bức vẽ đầu tiên chị thấy khi gặp anh trên biển: “Sao ngồi trước bình minh anh lại vẽ hoàng hôn?” – Anh hơi cười, “Em biết rồi còn hỏi?”. Đúng, chị cảm nhận phần nào tâm huyết của anh, phần nào hiểu được anh. Anh không ồn ào, không nói nhiều như người ấy. Giữa anh và chị chỉ có những buổi sáng trên biển, trên cát. Sóng và những gam màu. Chỉ có những buổi chiều muộn lặng lẽ ngồi bên nhau trong quán café có giàn hoa tầm xuân. Chị biết, anh hiểu chị, anh hiểu cả suy nghĩ của chị nhưng ở anh vẫn có điều gì đó khiến anh phải trăn trở. Anh luôn khổ sở bên những gam màu điên loạn. Chị giật mình khi nhìn anh vò tung những sợi tóc loăn quăn. Một điều gì đó khiến anh day dứt, không thể thể hiện nổi. “Anh bất lực” – Anh buông thõng câu đó với chị, mắt vô hồn, không nhìn chị, không nhìn vào đâu cả. Chị hiểu, anh có điều gì đang trĩu nặng trong tim. Vai anh trĩu xuống. Chị ao ước giá như có thể chia sẻ với anh. Mà không thể…hoặc không dám. Một điều gì đó níu kéo chị…
Chị vẫn giữ thói quen cắm hoa tầm xuân. Anh bảo chị “Chơi hoa tầm xuân là bất hạnh đó, nhóc ạ” Anh vẫn giữ thói quen gọi chị là nhóc, chị ngước mắt nhìn anh “Em quen rồi” – Anh vội quay mặt đi. Và nói với chị rất nhỏ “Xuân ơi, anh có lỗi với em”. Chị rùng mình, hoảng hốt nhìn thật sâu vào anh “Lẽ ra anh không nói, nhưng anh không có quyền giấu em. Anh…có vợ rồi” – anh nói, rất nhanh mà chị tưởng như từng lời gõ xuống như từng tiếng búa chát chúa trong tim. Chị cảm thấy mình như tan ra, tan ra mãi mãi. Dường như chị đang rơi xuống, rơi xuống mãi mà chưa thấy mình chạm vào đâu cả…”Có thể là em không tin, nhưng anh cần có em, có em thật sự trong cuộc sống, Xuân ạ” – Chị bình tĩnh lại, hỏi anh, giọng không một chút cảm xúc “Nhưng còn vợ anh?” “ Anh biết, em sẽ không tin. Nhưng anh không yêu cô ấy. Và cô ấy cũng không yêu anh” “Nhưng, tại sao chứ? Tại sao mọi người lại làm khổ nhau?” Chị bật hét lên. Hình ảnh mẹ và bố chị hiện ra. Hai bóng người lầm lũi sống bên nhau từng ấy năm mà không hề có tình yêu. Chị và em trai chị đã không có một tuổi thơ trọn vẹn với tình yêu của cha và mẹ. Đã có lúc chị thầm mong bố mẹ ly dị, như thế có lẽ chị thanh thản hơn. Bố và mẹ chị cũng thanh thản hơn. Nhưng rồi, trách nhiệm và bổn phận không tách nổi họ. Hoặc giả như họ vờ cố vin vào cái “tình thương con” để che giấu đi sự tổn thương và sĩ diện của bản thân mình. Cũng như anh giờ đây  “Cái bất hạnh lớn nhất của anh là sinh ra từ một người mẹ nổi tiếng và người cha có tài. Và anh không thể cãi lời mẹ. Anh không thể đánh đổi danh dự gia đình mình” Chị lặng người, hiểu tại sao anh lại ở đây, rất xa gia đình mà chưa một lần nhận được dòng nhắn tin nào của vợ. Chị hiểu cái bất ổn trong con người anh mà chị đã từng linh cảm thấy. Chị hiểu vì sao anh mãi trăn trở bên giá vẽ. Chị lặng lẽ nhìn anh- người đàn ông vừa như gần gũi, vừa như xa lạ với chị. Có lúc, chị cảm giác anh ở trong tầm tay mà chị cố với mãi không tới được. Anh rồi cũng như bố mẹ chị. Bổn phận và trách nhiệm sẽ kéo anh quay lại. Chị khẽ nói với anh, giọng thảng rơi theo gió “Nhưng để làm gì hả anh?” “Anh cũng không biết nữa..Anh biết mình vô lý, anh biết là đã làm em khổ nhưng anh không cưỡng nổi mình. Anh chỉ biết là anh rất cần em, rất cần” . Chị chuồi mình ra khỏi vòng tay anh “Nhưng anh không thể đánh đổi danh dự gia đình mình cơ mà?” . Anh lúc lắc đầu, bật kêu tên chị, tiếng kêu tuyệt vọng và hoảng hốt như người vừa đánh rơi một vật vô cùng quý giá, vô cùng thiêng liêng…
Chiều ấy, lần đầu tiên họ đi bên nhau trên bãi biển chứ không phải ngồi trong quán café như thường ngày. Chiều sắp tàn, những vệt nắng nhỏ nhoi, yếu đuối cố chạy đuổi theo sóng. Chị chợt ước mình là những con sóng được tan ra trên biển. Anh đi bên chị, lặng im, vai trĩu xuống. Bàn tay anh bóp chặt vai chị như sợ chị sẽ tan ra, sẽ biến mất. Họ cứ đi như thế mãi, ai cũng mong thời gian trôi thật chậm, dường như họ cũng linh cảm một điều gì đó. Hai con người nhỏ nhoi trước biển cả, họ cố gắng dựa vào nhau nhưng sóng lại làm họ chia đôi. Anh thấy mình hèn yếu, bất lực. Chị thấy mình bé nhỏ và vô cảm. Nước mắt không còn cho chị khóc nữa…
Sáng hôm sau, ra biển, chị không thấy anh. Chỉ thấy trên giá vẽ là hình ảnh của chị. Là ánh mắt da diết của anh. Là hoàng hôn đã xuống hẳn. Và chị giật mình khi gặp một bông hoa tầm xuân anh cài ở đó, giàn hoa tầm xuân nhà chị đã tàn từ lâu. Chị biết, rồi anh sẽ ra đi mà không khỏi bị sốc “Chào nhóc, tặng em một bông hoa tầm xuân nở muộn. Anh chỉ nói đùa em thôi, chứ chơi hoa tầm xuân là cả một nghệ thuật. Anh tin rồi em sẽ tìm được hạnh phúc. Hãy quên anh, bởi anh không xứng đáng với em. Anh sẽ đi xa, thật xa..Biển sẽ lại đón anh, nhưng anh tin dù ở đâu anh vẫn có em bên cạnh. Còn cô ấy, anh hiểu, cô ấy cũng rất khổ. Rồi cô ấy sẽ hiểu anh. Chào nhóc một lần nữa-nhóc con của anh…” Chị òa khóc như trẻ nhỏ, chị thả tất cả xuống biển. Chị tin biển sẽ mang nó đến với anh. Vô hồn, chị lặng nhìn những con sóng xô bức vẽ anh và chị về hai phía. Chị lắng nghe từng vết cứa trong trái tim mình…
Đôi khi trên phố, chị vẫn giật mình khi gặp dáng ai quen quen. Chị cố đuổi theo nhưng lại hụt hẫng khi gặp một gương mặt lạ, nhạt nhòa. Chị vẫn giật mình khi nghe ai đó gọi “nhóc ơi”. Chị nhớ một câu thơ của ai đó, và thầm thì đọc cho riêng anh nghe:

Để sau này lỡ tôi chẳng còn gì để cho nữa cả..
Tôi sẽ tặng em những cái giật mình….

Diệp Sương
1997