8 tháng 5, 2011

Hành trình Trường Sa (2)

(NCTG) “Ước rằng những học trò của tôi cũng có dịp được đi Trường Sa một lần, để các em hiểu được sự thiêng liêng của chủ quyền đất nước, hiểu được sự hy sinh của người khác…”

Xem Phần 1 của bài viết.


F55 lên đường


Đoàn chúng tôi ban đầu có tên F55 – là do Tâp đoàn FPT đứng ra tổ chức và có 55 thành viên, nhưng chỉ có một số là của FPT “xịn” còn như tôi khi được hỏi “Em có phải làm ở FPT không?” thì tôi trả lời: “Dạ không. Em là đồng bọn của FPT”.

Nhưng tới phút cuối lên tàu thì chỉ còn 54 thành viên nên đã được đổi thành K54. 54 thành viên của đoàn mặc áo đỏ sao vàng rợp cả tàu HQ936, như những ngọn lửa rực rỡ.


HQ936 - Những gương mặt


Trên tàu, ngoài đoàn FPT thì còn có đoàn của Tổng công ty dầu khí, đoàn VNPT, đoàn Văn công Quân khu 4, đoàn VTV3…Tính cả lính hải quân phục vụ trên tàu thì quân số toàn tàu là 144 người.


Tôi không thể nhớ hết tên và thuộc hết mặt tất cả các thành viên trên tàu HQ936 trong vòng 8 ngày lênh đênh trên biển nhưng cho dù chưa thuộc hết tên nhau, chúng tôi vẫn gắn bó và thân thiết như một gia đình. Trong số đó, có những gương mặt, những cái tên để lại rất nhiều ấn tượng với tôi.


Là anh Nguyễn Thành Nam, nguyên Tổng giám đốc tập đoàn FPT. Tôi đã được biết tới tên anh nhiều trước đây, nhưng khi gặp anh và được nói chuyện với anh, không ngờ anh là người dễ mến, dễ gần, hòa đồng, dung dị và …vui tính đến thế. Tôi thật sự ngưỡng mộ anh và càng thêm trân trọng anh trước sự thân ái, ân cần của anh dành cho chúng tôi, những đàn em bé bỏng như một người anh lớn đầy bao dung và tình cảm.


Nếu gặp anh, nghe anh hát, nghe anh kể chuyện hài và cả chuyện…bậy thì chẳng ai nghĩ anh từng là một Tổng giám đốc nổi tiếng. Anh có thể thuộc từ bài hát thiếu nhi tới nhạc xanh, nhạc đỏ, nhạc tiền chiến…, anh thuộc từ bài hát Việt tới bài hát Anh, bài hát Ý và đặc biệt là những bản tình ca Nga khiến một đứa mù tiếng Nga như tôi cũng thấy bồi hồi.


Là anh Phạm Việt Thanh – người đàn ông có “ma lực” trong nghề quay phim và đạo diễn. Tôi được biết tới anh từ rất lâu qua những tác phẩm của anh, ngưỡng mộ gia đình anh và quý trọng một người đàn ông yêu thương gia đình, vợ con đến thế. Tôi không ngờ có ngày mình được ngồi uống rượu với anh, nói chuyện phiếm với anh và còn được anh chụp ảnh cho nữa.


Vậy mà, tôi đã quên không nói với anh rằng, tôi cũng vô cùng yêu quý vợ anh, NSND Lê Khanh. Tôi cũng quên không nói với anh rằng, tôi rất quý trọng những người đàn ông hết lòng vì công việc nhưng lại đầy tinh thần trách nhiệm và tình yêu với gia đình như anh.



Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết


Là anh Thọ - biệt hiệu “Thọ đại úy” vì trước đây anh đã từng là bộ đội hải quân mang hàm đại úy. Anh cũng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị một công ty lớn, nhưng khi gặp anh, nhìn anh hát, nhìn anh nhảy rất dẻo và nghe anh nói chuyện thì chúng tôi chỉ có mỗi việc là ngoác miệng ra cười. Không những thế, lũ con gái chíp hôi chúng tôi còn có thể thoải mái chọc ghẹo anh nữa chứ? Một lời cảm ơn tới anh, bởi vì nhờ có anh mà đoàn K54 mới có dịp được lênh đênh “ăn ngủ cùng nhau” suốt 8 ngày liền trên biển.

Là bạn Đinh Tiến Dũng – biệt hiệu “Dũng đê tiện” – nhưng chẳng mấy ai biết tên Dũng mà gần như 100% lính đảo đều nhận ra Dũng là Giáo sư Cù Trọng Xoay trên sóng truyền hình. Dũng là một người trẻ năng động, đa tài và rất biết cách gắn kết mọi người với nhau. Khi Dũng làm MC thì không khí chương trình sẽ sôi nổi hơn, khi Dũng ôm đàn hát thì mọi người sẽ có “lửa” để ngồi hát thâu đêm suốt sáng và khi Dũng sáng tác một bài hát về Trường Sa thì khiến tất cả mọi người đều hừng hực tinh thần yêu nước, yêu đảo…


Là Vân Hải, cô bé nhỏ nhắn xinh xắn nhưng có sức khỏe phi thường. Là người rất chu đáo, em đã làm tất cả mọi người đều yêu quý và thương nhớ em. Tôi và em có dịp gặp nhau sớm hơn, cùng nhau đi siêu thị mua đồ cho cả đoàn nên 2 chị em có thời gian “buôn” chuyện nhiều hơn.


Là anh Trung Hà, người đàn ông điềm đạm, rất ít nói, chỉ cười cười tủm tỉm và say mê chơi Sudoku. Là anh Đoàn Tiến – người mà được bạn Dũng đặt cho biệt hiệu là “nhà chung cư” bởi anh “kiêm” nhiều “nhà” quá, vừa là nhà doanh nhân, vừa là nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ, nhà văn... Ở anh có sự điềm đạm của một người từng trải nhưng cũng có sự tinh tế của một nhà thơ, sự sâu sắc của một nhà văn và sự sôi nổi của một nhạc sĩ…


Là em Lê Tiến Dũng, có biệt hiệu là “Dũng râu” – em khiến tôi ngưỡng mộ lẫn ghen tị vì bộ đồ nghề chụp ảnh của em, em chụp cho tôi rất nhiều ảnh, trong đó có bộ ảnh mặc áo dài trên boong tàu mà tôi nghĩ rằng đó là một bộ ảnh đặc biệt nhất mà tôi có được. Dũng còn có tài nhảy rất đẹp và đàn cũng không thua kém gì những tay chơi nhạc chuyên nghiệp.



Ðài Trang, cô bé khiến cả đoàn ngưỡng mộ vì lòng nhiệt huyết và kiến thức biển đảo


Đặc biệt có một cô bé trẻ gần nhất đoàn, sinh năm 1991 và đang còn là sinh viên, nhưng thái độ làm việc của em, nhiệt huyết tuổi trẻ của em khiến tôi khâm phục. Đi tới đâu, em cũng tranh thủ gặp gỡ và trò truyện với bộ đội, với chúng tôi để giải thích và tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Em khiến tôi nghĩ tới những học trò mải chơi và thiếu lý tưởng của mình. Giá như thế hệ của các em đều có hoài bão, lý tưởng và thái độ tích cực, có nhiệt huyết tuổi trẻ như thế, chắc chắn rằng Việt Nam sẽ... hóa rồng!

Còn nhiều, rất nhiều cái tên nữa mà tôi muốn kể đến. Em Phương Anh của đoàn Văn công Quân khu 4, đã trở thành hoa hậu trong cuộc thi “
duyên dáng tàu HQ936” với màn múa khiến tất cả chúng tôi đều thán phục và say đắm. Hai em Thu Minh và Thu Trang – 2 cô gái xinh đẹp hát hay của VTV3, khiến không chỉ tôi mà chắc chắn tất cả các anh đều… đau tim!

Các em Hà, Trâm Anh, Nhuận, Dung, Ngân, Dương, Huyền…. những cô gái trẻ trung, xinh đẹp, hồn nhiên, tươi vui, nhí nhảnh. Nếu không có các em, chắc hẳn tàu HQ936 sẽ vắng đi nhiều tiếng cười và niềm vui, sẽ thiếu đi sự trẻ trung, sôi nổi mà các em khiến tôi đã nhiều lần thầm tiếc nuổi tuổi thanh xuân của mình…



Như anh em trong một đại gia đình


Chị Hoa, chị Hải Anh, chị Lan Anh, anh Thiết báo “Hải quân” miệt mài làm việc, anh Ngọc “trứng cá” hòa nhã, vui tính, đàn hát giỏi (em vẫn đang áy náy vì làm rơi cái kính của anh xuống biển khi leo lên nhà giàn DK1 đấy, nhưng cũng ấm ức vì bị anh làm mất quả bàng vuông trên đảo Trường Sa nhé), anh Cường (Vinaconex) toàn bị mọi người gọi trẹo thành “vinacotex”, anh Hưng “đỉnh”, anh Hùng ảnh, anh Trung “béo”, anh Tảo, anh Hùng “còn nguyên” (vì cho tới bây giờ anh vẫn chưa một lần “vào rọ” – em mà biết sớm thì đã không để anh trùm võng đi ngủ sớm như thế đâu, anh Hùng ạ, sẽ kéo anh vào cái hội hát hò và nhảy múa cho… trẻ lại vài chục tuổi đấy nhé)…

Đặc biệt phải cảm ơn đại tá Nguyễn Đăng Nghiêm, một thủ trưởng đoàn chỉn chu, nguyên tắc nhưng khi đi cùng chúng tôi, anh đã nhiều lần nở nụ cười thật tươi, đã “đỡ đạn” rất bao dung và rộng lượng cho em Ngân trong cuộc thi Miss HQ936. Là thượng tá Nguyễn Trung Hạnh cao lớn đã từng là thuyền trưởng nhiều năm đi biển nên trợ giúp, tư vấn rất tuyệt vời cho cả đoàn một chuyến đi bình yên và an toàn…


Là rất, rất nhiều những gương mặt, những cái tên mà tôi không thể kể hết ra đây nhưng tất cả đã cho tôi nhận ra rằng, tôi thật may mắn vì có cơ hội được gặp quá nhiều người vô cùng hay ho trên một chuyến tàu. Các anh, các chị và các bạn, các em đã cho tôi những kỷ niệm, những ký ức tuyệt vời trong cuộc đời mình.


Những người lính tôi đã gặp


Người lính đầu tiên tôi gặp và nói chuyện là anh Nguyễn Hữu Thuận, phó nhà giàn DK1. Vì tôi nằm trong tốp cuối cùng bước chân lên nhà giàn nên thời gian được trò chuyện với các anh rất ít ỏi. Anh kể cho tôi nghe anh đã ở nhà giàn 18 năm rồi, mỗi năm hoặc có khi cả 2 năm anh mới được về phép cùng gia đình. Anh kể cho tôi nghe về những khó khăn mà các anh phải trải qua với một giọng giản dị và như một lẽ tất yếu.


Sự hy sinh và chịu đựng của các anh quá lớn lao, khiến chúng tôi, những người con của đất liền nếu không được tận mắt nhìn thấy không thể nào hình dung hết được. Tôi thấy lòng mình nghẹn lại. Hỏi các anh thích nhận quà gì nhất, thì hầu hết đều trả lời là muốn có đất và hạt giống để trồng rau. Bởi rau là thứ các anh “thèm” nhất. Mùa này các anh còn tăng gia được rau xanh, chứ vào mùa mưa bão thì triền miên bí xanh, bí đỏ mang từ đất liền vào. Mà có được bí xanh bí đỏ cũng rất hiếm hoi…



Anh Nguyễn Hữu Thuận và anh Phạm Ngọc Thanh


Cậu lính trẻ măng tên Long ở đảo Trường Sa Lớn đã khiến tôi xúc động khi em tìm khắp đảo cho tôi được một quả bàng vuông rất lớn. Tôi đã cảm thấy vô cùng hãnh diện và tự hào khi cầm trên tay trái bàng vuông của em. Vậy mà, khi tôi bận một chút và nhờ anh Vương Quân Ngọc giữ giùm thì anh làm mất mất (do bận lên biểu diễn văn nghệ).

Tôi cứ tiếc mãi nhưng cũng không giận anh. Sau biết trái bàng vuông đã về tay một em trong đoàn thì tôi bớt “tiếc” hơn. Sở dĩ biết đó là trái bàng của mình bởi em Long khẳng định rằng đó là trái bàng “già” duy nhất còn trên đảo và tôi “nhận ra” được trái bàng đó. Long cười hồn hậu: “
Em đổi trái bàng vuông cho chị lấy một trái tim học trò của chị đấy nhé”.

Tôi cũng vô cùng ấn tượng với trung úy Huy Hoàng, đảo phó đảo Cô Lin, dứt lòng để lại người vợ mới cưới được 15 ngày ở hậu phương để ra nơi đầu sóng ngọn gió, nơi giáp ranh với kẻ thù, nơi phải hàng ngày đối mặt với tình hình chiến sự căng thẳng, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Vậy mà khi gặp chúng tôi, anh rất vui tính, rất lạc quan, rất tự tin bắt nhịp từng lời hát. Nhìn anh, tôi tin tưởng và hy vọng rằng đảo của chúng ta sẽ bình yên. Cứ nhìn những luống rau xanh mướt mà các anh trồng, đàn chó các anh nuôi và con heo béo mập các anh chăm bẵm thì càng thấy nể phục các anh biết chừng nào.


Tôi còn được gặp rất nhiều chàng lính hải quân đẹp trai, khỏe mạnh, rắn rỏi với nắng gió biển khơi. Những chàng lính chưa một lần biết yêu, những chiến sĩ hải quân vừa mới cưới vợ phải để vợ ở nhà hay những chiến sĩ mới vừa kịp có người yêu…Các anh cho tôi thấy sự lạc quan, tinh thần mạnh mẽ khi bỏ lại sau lưng tất cả để, quên mình và hy sinh vì nhân dân.


Chúng tôi cũng không kìm được nước mắt khi nghe kể có những người lính ở đảo nghe tin bố mẹ mất mà không về chịu tang được. Khi nghe vợ sinh bị hậu sản mất, con phải nằm lồng kính mà cũng không thể về, chỉ hàng ngày cúng vong từ muôn trùng xa cách. Chúng tôi cũng thắt lòng khi nghe các anh tâm sự rất thật rằng, ở đảo lâu quá rồi, nên bây giờ cho anh về đất liền anh chẳng biết làm gì để nuôi con…


Chúng tôi ai nấy đều bảo nhau, lính hải quân đẹp trai quá! Tôi khâm phục các anh về sự lạc quan, về ý chí chiến đấu và cả sự hồn nhiên của tuổi trẻ. Khi liên hoan văn nghệ, các chàng lính trẻ rất thích nghe và hát nhạc trẻ. Những điệu nhảy bốc lửa của các chàng lính trong đêm liên hoan văn nghệ khiến tôi tưởng như mình đang dự một đêm dạ hội của một trường đại học ở đất liền.


Tôi cũng thấy ấm lòng hơn khi thấy cuộc sống của lính đảo đã được cải thiện hơn nhiều so với vài năm trước khi bạn tôi đi về kể chuyện. Các anh đã có sóng truyền hình, có sóng điện thoại, có internet để liên lạc với gia đình, vợ con và người yêu ở đất liền. Đời sống tinh thần của các anh đã được cải thiện rõ rệt. Tới giường ngủ của các anh đều có treo ảnh vợ, con, người yêu hay một cô gái xinh đẹp cười rất tươi…


Những dấu ấn trên tàu HQ936


Anh Nghiêm nói, đoàn chúng tôi là đoàn có nhiều nữ nhất từ trước tới nay. Hai mươi bảy phụ nữ mà đa số là các cô gái trẻ trung, hồn nhiên và tươi tắn, xinh đẹp là “tâm điểm” của toàn tàu và của các anh lính đảo. Tôi thuộc hàng “gái già” trung trung trên tàu nhưng chưa hết ham vui nên cũng không bỏ sót bất kỳ hoạt động nào trên tàu.


Và trong một buổi tối biển bớt nổi sóng, trong vòng 2 giờ đồng hồ FPT đã lên kế hoạch và thực hiện thành công chương trình “Miss HQ936” – Có lẽ chưa bao giờ có một chương trình thi người đẹp nào lại được lên kế hoạch và thực hiện nhanh chóng đến thế. Sau bữa tối, trong lúc các “kiều nữ” về phòng chuẩn bị trang điểm thì các chàng trai đã trang trí xong một sân khấu “dã chiến”.



Sân khấu dã chiến trên tàu


Tôi cũng được “động viên” đi thi để cổ vũ phong trào. Nghĩ cũng thấy mình liều, bởi tôi là “gái già” duy nhất trong 14 thí sinh thi buổi tối hôm đó. Mà lại chẳng có năng khiếu gì, hic. Nhưng chẳng hề gì, vui là chính mà. Em Phương Anh của đoàn Nghệ thuật Quân khu 4 đã được giải hoa hậu rất xứng đáng. Em làm cả tàu ngây ngất trước màn múa của mình và câu trả lời ứng xử dịu dàng, ngắn gọn.

Tôi sẽ rất nhớ những buổi tối chúng tôi ngồi mãi bên mâm cơm cùng hát vang những bài nhạc đỏ, những bản nhạc trẻ sôi động, những tình khúc Nga của các anh làm tôi bồi hồi dù chẳng biết một từ tiếng Nga nào.


Tôi sẽ rất nhớ những đêm giao lưu văn nghệ trên tàu và trên đảo do bạn Dũng “Xoay” làm MC khiến chúng tôi xóa bỏ mọi ranh giới, kết nối tình cảm của tình quân-dân. Khi lên sân khấu, chúng tôi chẳng biết tên nhau, chẳng hề quen nhau nhưng vẫn nắm tay nhau cùng nhảy múa, cùng hát hò…


Tôi sẽ rất nhớ những đêm ngồi trên boong tàu, tiếng ghi-ta bập bùng và ngửa mặt nhìn trời đếm sao…Cảm giác lênh đênh giữa bốn bề biển khơi thật là một kỉ niệm và kí ức không thể nào quên được.


Tôi sẽ rất nhớ tiếng sóng biển ì oạp vỗ mạn tàu,thỉnh thoảng tung bọt trắng xóa. Chẳng may đang đi trên boong vào phòng ngủ hay nằm ngoài võng sẽ được tắm nước biển ngay trên tàu. Tôi đã bị một cơn sóng trùm qua võng khi tôi đang nằm lim dim mắt tận hưởng cảm giác bồng bềnh…


Tôi sẽ rất nhớ trạng thái đi trên tàu mà người không vững, nghiêng bên nọ, đổ bên kia như người say…Một số đồng đội của tôi lần lượt say sóng, còn tôi thật may là chỉ có cảm giác hơi mệt chứ không say chút nào…


Tôi sẽ rất nhớ tiếng báo thức toàn tàu mỗi buổi sáng, tiếng loa gọi: “
Mời thủ trưởng và đoàn công tác ăn sáng/ trưa/ tối”. Tôi sẽ rất nhớ tiếng còi tàu hụ dài mỗi khi chúng tôi thả neo hay thủ trưởng về tàu, nhớ tiếng nói cười cụng ly mỗi bữa ăn thật gần gũi, thân thương…


Sáu chị em trong một căn phòng


Tôi sẽ rất nhớ căn phòng nhỏ bé chật chội có 4 chiếc giường đơn mà 6 chị em chúng tôi được ghép ở chung. Tôi và em Nhuận nằm giường tầng 1, đứa nào cũng phải nằm nguyên một tư thế úp thìa đến mức sáng hôm sau ngủ dậy là người đau nhừ… Nhưng chúng tôi còn may mắn, vì dù sao phụ nữ cũng nhỏ bé hơn.

Còn các anh mới khổ, 8 anh bụng bự bị nhét vào ngủ 4 chiếc giường bé tí thật khổ sở. Anh Hùng (Liên Việt) bảo từ hôm lên tàu anh chỉ ngủ võng. Có hôm phải vào phòng nữ xin nước hoa vì vớ phải cái võng nặng mùi quá!


Tôi sẽ rất nhớ những ngày tháng tự do không phải lo tới công việc, không điện thoại, không email. Chỉ có cảm giác nhớ con tới khó ngủ. Và tới mỗi đảo có sóng điện thoại thì việc đầu tiên là tôi gọi về cho hai nàng công chúa nhỏ của mình. Tôi ước mong khi con gái lớn 10 tuổi, tôi có thể cho cháu đi Trường Sa một chuyến cùng mình…


Tôi sẽ rất nhớ… rất nhớ…


Mang gì tới Trường Sa?


Có một câu hỏi trong cuộc thi Miss HQ936: “
Nếu được mang ba thứ trong một chuyến hải trình dài thì bạn sẽ mang theo những gì?”. Tôi không phải là người được trả lời câu hỏi đó, nhưng khi đó tôi đã đùa rằng nếu được chọn thì tôi chỉ cần một lựa chọn duy nhất là mang theo một người đàn ông, bởi vì người đàn ông đó sẽ giúp tôi mang tất cả những thứ cần thiết nhất.

Và người đàn ông tôi lựa chọn là đại tá Nguyễn Đăng Nghiêm – bởi vì nhờ anh, chúng tôi có đủ nước để dùng, chúng tôi có đủ lương thực để ăn, chúng tôi có đầy đủ phương tiện cứu hộ và có đầy đủ kinh nghiệm đi tàu, đi xuồng, lên nhà giàn, lên đảo…


Rất nhiều lần tôi đã hỏi bạn bè trước khi khởi hành rằng tôi cần mang theo những gì? Và sau chuyến đi này, tôi rút ra được điều chúng ta cần nhất khi tới với Trường Sa, với lính đảo đó chính là TÌNH CẢM, là cái TÂM của mỗi người. Bởi với lính đảo thì bất kỳ cái gì của đất liền cũng vô cùng quý giá. Nếu được đi Trường Sa lần nữa tôi sẽ mang tặng các anh đất và hạt giống trồng rau, sẽ gom thật nhiều tạp chí dành cho giới trẻ, sẽ mang tặng các anh những hộp gia vị khô và chè ngon để các anh uống…


Khuyến cáo với tất cả những ai sắp đi Trường Sa rằng, các bạn đừng mang quá nhiều bánh kẹo ra đảo, bởi các anh nói dường như không mấy người thích ăn đồ đó. Bánh kẹo mang ra rồi lại để tiếp khách đất liền mà thôi. Chúng ta hãy nghĩ tới những điều cần thiết và thiết thực nhất cho các anh, cho cuộc sống hàng ngày của các anh nhé.


Và các bạn, tôi nghĩ rằng các bạn không cần phải chuẩn bị gì nhiều bởi các anh hải quân trên tàu đã lo cho chúng ta rất đầy đủ. Nếu có thể, các bạn hãy mang thêm trà, cà phê uống liền (trên tàu HQ 936 có rất nhiều con nghiện cà phê mà quên không mang theo), mang thêm nhiều trái cây có thể để được lâu như bưởi, dưa hấu, cam, chanh tươi… Và để phục vụ cho các bữa lai rai vừa đàn vừa hát, thì một đĩa bò khô vắt chanh, một phong bánh biscuit hay vài hạt đậu phộng thì thật tuyệt vời.



Các thí sinh giơ cao phần thưởng


Nhưng tôi nghĩ rằng mang gì tới Trường Sa là điều mà bất cứ ai cũng nghĩ tới, nhưng không phải ai cũng hiểu được rằng, những điều mà chúng tôi “nhận” được sau chuyến đi có ý nghĩa hơn rất nhiều. Và tôi tin rằng, với bất kỳ ai có cơ hội được một lần tới Trường Sa, chuyến đi cũng là một kỷ niệm tuyệt vời, không thể quên trong cuộc đời!

Chia tay


10 giờ trưa ngày 28-4, tàu HQ936 cập cảng Cát Lái, đưa chúng tôi trở về thành phố thân yêu. Gặp lại thành phố với những con đường, những cây xanh và những cánh tay vẫy chào chúng tôi trở lại, hoàn thành chuyến công tác xuất sắc. Tôi cảm thấy vô cùng hãnh diện khi được đeo trên ngực phù hiệu “Chiến sĩ Trường Sa”, được cầm trên tay tờ chứng nhận “Chiến sĩ Trường Sa” đỏ chót.


Ngồi trên xe của Quân cảng Sài Gòn về lại nhà hàng Tân Cảng dự bữa cơm chia tay, tôi đã cảm thấy nhớ Trường Sa, nhớ đảo, nhớ tàu HQ936 da diết. Bữa cơm chia tay thật tuyệt vời, những chiếc ly cụng, những nụ cười thật tươi dù ai cũng thấm mệt, ai cũng đen đi vài phần do sóng gió biển khơi.


Màn biểu diễn văn nghệ của cả Quân khu 4, của Tân cảng và FPT chắc chắn là một dấu ấn khó quên trong mỗi người. Các em gái xinh tươi của tàu HQ936 đã khuấy động cả khán phòng bằng màn múa tập thể dục buổi sáng và nhảy “duck song” với sự cổ vũ nhiệt tình của tất cả mọi người.


Cuộc vui nào rồi cũng tới lúc tàn, chúng tôi chia tay ra về trong rất nhiều lưu luyến. Những cái nắm tay rất chặt, những cái ôm không muốn rời xa… Chúng tôi ra về mang theo bên mình rất nhiều kỷ niệm đẹp đẽ của những ngày ngắn ngủi cùng nhau vượt sóng, cùng trải nghiệm và thấu hiểu cuộc sống của những người lính.


Anh Hoàng Minh Châu – Phó tổng Giám đốc của FPT đã nói với tôi, rất xúc động: “
Chuyến đi này khiến anh thay đổi cái nhìn toàn diện em ạ”. Phải đấy anh, tôi đã cay mũi khi đứng dưới cột cờ ở đảo Trường Sa, khi cảm nhận được sự thiêng liêng và chủ quyền biển đảo của đất nước khi đặt chân lên nhà giàn. Cảm nhận được từng tấc đất biển đảo quý giá như thế nào khi đặt chân lên đảo Cô Lin…..

Tôi cũng chắc chắn rằng sẽ có rất nhiều chuyện để kể cho con gái, cho người thân và những học trò thân yêu của mình. Ước rằng những học trò của tôi cũng có dịp được đi Trường Sa một lần, để các em hiểu được sự thiêng liêng của chủ quyền đất nước, hiểu được sự hy sinh của người khác…


Cám ơn FPT đã tổ chức chuyến đi đầy ý nghĩa này!


Cám ơn các chiến sĩ hải quân vùng 4 và Quân cảng Sài Gòn!


Và thật lòng, cám ơn anh Phan Quang Minh – Phó tổng giám đốc Công ty Tinh Vân đã cho tôi cơ hội hiếm có được tham gia cùng đoàn FPT nhiệt thành và đầy “máu lửa”.


Cám ơn tất cả 144 thành viên và những người lính hải quân - đã cho tôi một chuyến đi đầy ý nghĩa, với những kỷ niệm tuyệt vời và những trải nghiệm không bao giờ quên!


Tạm biệt Trường Sa với lời hứa, chắc chắn một ngày tôi sẽ quay trở lại...