23 tháng 4, 2012

Điều mẹ không nên nói...

Khi bạn đang rất bận rộn, thậm chí phải làm 2-3 việc một lúc: vừa nấu ăn vừa phải chạy ra chạy vào phòng làm việc để giải quyết công việc mà lại nghe con lèo nhèo bên cạnh, lúc thì đòi đồ ăn nhẹ, lúc thì la hét, làm đổ vỡ đồ, hỏi hàng nghìn câu hỏi tại sao..thì rất dễ bạn sẽ bị “tẩu hỏa nhập ma” và nổi nóng.

Tuy nhiên, khi bạn không thể kiểm soát được cơn nóng giận của mình thì bạn sẽ rất dễ gây tổn thương cho bọn trẻ vì những lời nói trong lúc nóng giận đó, đặc biệt là khi chúng còn nhỏ, ở lứa tuổi dưới 5 thì sự sợ hãi và hoảng hốt của chúng sẽ mạnh mẽ hơn. Vì vậy, tốt nhất là bạn hãy cố gắng kiểm soát mình và hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh, nói thật nhẹ nhàng với bọn trẻ, chúng sẽ dễ dàng tiếp thu và nghe lời bạn hơn.

Đây là những lời bạn không nên nói với bọn trẻ khi đang nóng giận.

1. “Con ra chỗ khác chơi, để mẹ yên”
Nếu bạn không thể tìm ra một thời gian thích hợp để nghỉ ngơi thì họa chăng bạn là một vị thánh và bạn đã làm việc quên bản thân mình, bạn đã quên lợi ích của việc phải nghỉ ngơi, thư giãn và nạp lại năng lượng cho mình. Vì thế, bạn thường xuyên nói với con “Mẹ bận lắm” “Đừng làm phiền mẹ” “Để mẹ yên đi nào” sẽ khiến bọn trẻ con nghĩ rằng chúng không có ý nghĩa gì trong cuộc sống của bạn, và nếu điều này thường xuyên xảy ra từ khi chúng còn nhỏ thì hệ quả sẽ rất tai hại khi chúng lớn lên. Chúng sẽ thu mình lại và không còn muốn chia sẻ với bạn nữa.
Bởi vậy, khi bạn đang quá bận rộn mà bị con làm phiền, thì bạn hãy nói với con thật nhẹ nhàng “Mẹ có việc phải hoàn thành gấp,con hãy giữ yên tĩnh cho mẹ một lúc nhé. Rồi mẹ sẽ chơi với con” – sau đó thì nhất định bạn phải dành cho bé vài phút.
Thực tế là: với đứa trẻ mới chập chững biết đi thì chúng không có khả năng tự chơi cả giờ đồng hồ và chúng sẽ làm phiền bạn là điều tất nhiên.

2. Không nên gán cho con những “tội” và “biệt hiệu”
Kiểu như “Con thật là nghịch ngợm” “con thật là nhút nhát” “Con việc gì phải làm như thế với bạn ấy?”…hoặc khi nói chuyện với khách trước mặt con, bạn lại nói “Nó là đứa con rất nhút nhát của tôi đấy” “Nó nghịch lắm” –những câu nói tưởng bông đùa, vui vẻ đó có thể lâu dần sẽ khiến bọn trẻ nghĩ rằng chính chúng là như vậy thật. Và những nhận xét tiêu cực của cha mẹ sẽ khiến bọn trẻ con trở nên thiếu tự tin trong cuộc sống. Những lời tồi tệ này sẽ là vết cắt rất sâu trong lòng bọn trẻ, thậm chí đến tận khi trưởng thành, có người vẫn bị ám ảnh lời cha mẹ hồi nhỏ rằng “con thật ngu ngốc/ con thật lười biếng/ con thật không có hi vọng gì cả”

3. Không nên bảo con “Đừng khóc”
Hay bạn thường bảo con “Đừng buồn” “Đừng có trẻ con thế” “ Nào nào, chẳng có lý do gì để sợ cả” – nhưng với bọn trẻ thì việc khóc là cách duy nhất chúng xả căng thẳng, làm vơi đi nỗi buồn mà không phải một đứa trẻ mới biết đi có thể nói ra được bằng lời những cảm xúc của mình. Chúng thật sự buồn. Chúng thật sự sợ hãi. Cha mẹ nghĩ rằng đó là cách tự nhiên mà họ muốn bảo vệ con mình khỏi những trạng thái như thế” nhưng nếu không thể làm cho đứa trẻ cảm thấy tốt hơn hay làm thay đổi cảm xúc của chúng thì tốt nhất hãy để chúng thể hiện cảm xúc buồn hoặc sợ hãi, chỉ cần bạn vỗ về chúng lúc đó và dạy con cách thể hiện bản thân, cảm xúc của mình bằng lời nói, thì dần dần đứa trẻ sẽ biết nói với cha mẹ những suy nghĩ,tình cảm của mình thay vì ngồi khóc.

4. Đừng nên so sánh con với đứa trẻ khác.
“ Con nhìn bạn A, bạn B…đi, nó học giỏi hơn con nhiều đấy” hay “Sao con không giống như chị/em con nhỉ?”….Bạn tưởng rằng sự so sánh đó giống như đặt một tấm gương sáng cho con mình soi vào nhưng sự so sánh luôn luôn phản tác dụng. Con bạn là chính nó, không phải là một đứa trẻ A, B nào cả.
Người lớn thường có xu hướng so sánh nhưng mỗi đứa trẻ có cách cư xử, cá tính hoàn toàn khác nhau, ngay cả khi cùng một cha mẹ sinh ra. Và sự so sánh thường xuyên của cha mẹ vô tình tạo cho con áp lực, khiến chúng trở nên tự ti và thu mình lại. Thậm chí có đứa trẻ còn phản ứng tiêu cực, phẫn nộ và cương quyết làm ngược lại những gì bạn muốn.
Thay vào đó, cha mẹ nên khuyến khích, động viên con kiểu như “Con hãy tự tin lên nào, mẹ tin là con làm được” hoặc “Cảm ơn con đã nói với mẹ điều này, nhưng mẹ nghĩ có thể con nên thay đổi…” một lời động viên, khích lệ khéo léo sẽ tạo sự tự tin cho đứa trẻ.

5. Không nên chế nhạo trẻ
Cũng giống như so sánh, sự chế nhạo, giễu cợt dù là bông đùa của cha mẹ có thể là một vết khắc vào trái tim con và làm khoảng cách giữa cha mẹ - con cái dài ra. Học hỏi là một quá trình có thử nghiệm và có sai sót. Đứa trẻ cần hiểu rõ sự sai sót của mình và sửa chữa, tránh né cho những lần sau. Ngay cả khi chúng lặp lại sai lầm cũ, thì cha mẹ cũng không nên chế giễu con, bởi sẽ làm chúng nghi ngờ vào chính bản thân mình và thiếu tự tin. Bạn nên khuyến khích con bằng cách “Mẹ biết con có thể làm tốt hơn nếu như con thử làm theo cách này”

6. Không đe dọa con.
Bạn thường dọa con “Ngừng ngay việc đó lại,nếu không con sẽ bị ăn đòn đấy” – thật sự thì sự đe dọa luôn luôn mang lại sự thất vọng hơn là hiệu quả. Kiểu như “con phải làm cái này, không được làm cái kia” “Nếu con còn lặp lại, mẹ sẽ đánh con đấy” – và lời đe dọa sớm muộn cũng sẽ thực hiện,và càng ngày sẽ càng mất đi tính “hiệu lực” của nó. Những lời đe dọa hoặc đòn roi sẽ chỉ thay đổi hành vi của đứa trẻ lúc đó,nhưng dần dần chúng sẽ bị chai sạn và trở nên lỳ lợm. Vì vậy, thay vì sự đe dọa hay roi vọt, bạn hãy tạo cho con một kỉ luật ngay từ nhỏ.  Nói chuyện, hướng chúng sang một hành vi khác khi chúng đang ở cơn bướng, lỳ sẽ giúp bọn trẻ thoát ra tình huống đó và sẽ cảm thấy tích cực hơn là sự đe dọa và đánh đòn.

7. Mang bố ra làm ông Kẹ
Con nghịch, mẹ dọa “Chờ đấy rồi bố về xử lý” – kiểu nuôi dạy con rất quen thuộc này trong mỗi gia đình. Bỗng chốc hình ảnh người cha trở nên méo mó và đáng sợ, chúng dần dần xa lánh cha và tự bạn sẽ làm mình giảm “quyền lực” với con. Lâu dần bọn trẻ sẽ cảm thấy mẹ không có tiếng nói và vị trí nào trong gia đình cả. Bọn chúng sẽ tự nhủ “Tại sao mình phải nghe lời mẹ trong khi cuối cùng mẹ sẽ chẳng làm gì mình cả”.  Thay vì dọa con như vậy, bạn hãy nghiêm khắc với con và chỉ ra lỗi sai của chúng.

8. “Con có nhanh lên không?”
Khi bạn đang vội vì cuộc hẹn tới giờ, làm việc quá sức và thiếu ngủ thì bạn rất dễ nổi cáu khi đứa trẻ của mình không tìm thấy giày hoặc quên bất cứ thứ gì, hoặc chúng giở chứng và ỳ ra. Và mặc cho bạn càng rên rỉ, hét lên hay thở dài thì con bạn vẫn không nhanh hơn được, ngược lại chúng càng cảm thấy tội lỗi và luống cuống . Hình ảnh cả nhà cuống quýt buổi sáng và cuối cùng là bố mẹ to tiếng quát tháo con cái, khuôn mặt giận dữ…bọn trẻ con khóc lóc nước mắt ngắn dài sẽ gây tác động xấu tới con. Thay vì rướn mắt lên hay to tiếng với con, bạn hãy chuẩn bị trước những thứ cần cho cả nhà vào sáng hôm sau từ tối hôm trước, và đề nghị sự giúp đỡ của bạn đời trước khi cả nhà cùng ra khỏi nhà.

9. “Con thật tuyệt”
Liệu có gì sai khi bạn khen ngợi con? Không, chẳng có gì sai cả nhưng vấn đề là nếu bạn sử dụng lời khen ngợi dễ dãi và mơ hồ, bạn thường xuyên khen “Con thật tuyệt” “Con giỏi quá” với cả những việc nhỏ nhặt nhất thì chúng sẽ mất đi sự nỗ lực và trở nên tự mãn, kiêu ngạo. Bạn nên chỉ khen ngợi con khi chúng đạt được thành quả đòi hỏi sự nỗ lực thật sự, khen ngợi hành vi của chúng chứ không phải khen ngợi chúng. Điều này sẽ kích thích sự tự giác và nỗ lực của bọn trẻ rất nhiều.

Thùy Giang - Mẹ Yêu Bé 15/4/2012