1 tháng 8, 2009

Oan khuất một thời....


Ấy, mở ngoặc, đó là vở chèo tớ mới xem tối nay, chứ không phải là oan khuất gì của tớ..hihi

Lâu lắm rồi mới đi xem chèo, tối nay đi cùng mẹ.Em dâu lớn có 2 cái vé, mẹ thích đi lắm,rủ mãi chả đứa nào đi cùng, mình hóng được thế là tình nguyện đưa mẹ đi. Vì mình cũng thích xem chèo mà. Hình như càng già, thì càng hướng về "hoài cổ". Suýt nữa thì bị hủy kg đi xem được, vì cái tội gội đầu xong lấy cái lược cuốn của em dâu để sấy tóc thì nó quấn chặt vào đó,không thể nào gỡ ra được. hi
c, hai cô em dâu thay nhau xử lý, cuối cùng thì đành lấy kéo cắt đi từng cái răng lược. Đến là kinh khủng, cứ tưởng đợt này mình phải cắt đầu tém luôn í chứ.

Haizz, cuối cùng thì 2 mẹ con vừa ngồi xuống ghế thì tắt đèn, thì buổi biểu diễn bắt đầu. Mình vốn vô cùng ngưỡng mộ đạo diễn Doãn Hoàng Giang (giờ đã được phong NSND rồi). Lần nào xem những vở diễn của ông đạo diễn mình cũng thấy nao lòng. Hôm nay Quốc Anh đóng Nguyễn Trãi tuyệt quá, nghe Quốc Anh hát chèo ngọt lịm cả người.

Nhớ ngày còn bé, mới học lớp 3-4-5 gì đó, cứ có đoàn nào
về cái huyện nhỏ bé nhà mình là hôm đó 3 chị em hăng hái nấu cơm sớm, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ tinh tươm để ghi điểm với ba mẹ, rồi nháy nhau sắp cơm ăn rõ sớm, ăn xong mới mon men xin ba mẹ cho đi xem ở rạp. hì hì, có hôm thì được đi luôn, nhưng cũng có hôm thì phải dùng nội công (nước mắt) đấy. Mà hồi đó còn trẻ con, bé tí xíu, cứ ra rạp là xin người lớn cho đi kèm vào, hì hì, nhưng có tới 3 chị em, nên em Hải bé nhất toàn lẻn vào trước, rồi mình và em Nam kiếm đường vào sau. :)). Hồi đó có chú Quý nhà cô Tấm (làm cùng cơ quan mẹ) làm ở rạp, nên cũng hay năn nỉ chú cho vào. Thế, mà mình được xem biết bao nhiêu là chèo, kịch nói, cải lương...Hồi đó còn ước mơ được vào đoàn cải lương nữa chứ, xem xong là trốn ra phía sau ngó vào cánh gà để được "ngắm lại" hoàng tử, vua, công chúa...Say mê và mải miết lắm.

Có những vở,diễn ở huyện mình bao nhiêu tối là bấy nhiêu hôm mình đi xem. Nhưng xem lần nào cũng khóc ròng rã, như "Đời cô Lựu" hay "Nàng Sita" ... Ôi, không biết có phải vì những vở kịch nó
i, những vở chèo, cải lương hồi đó không, mà lớn lên mình nhạy cảm hơn với cuộc sống, mình viết nhiều hơn, mình đọc nhiều hơn..Và từ những buổi đi xem trốn vé đó, cho mình một con người đa cảm, đa sầu???

Dẫu sao thì sau này Bống và Cua lớn hơn một chút,
mình sẽ thường xuyên cho con đi xem sân khấu như thế. Nhưng giờ đi xem sân khấu là một món giải trí "sa sỉ" đấy, vé đắt kinh dị.,Mình nghĩ, không biết "nhân dân" có bao nhiêu người bỏ ra 150k/ vé xem chèo như hôm nay?

Tất nhiên với thành phố thì có thể giản đơn, nhưng với những người dân lao động thì là cả một vấn đề lớn đấ
y chứ? Ngay như mình thôi, thèm đi xem lắm, nhưng nếu không có vé được tặng, thì chắc là cũng khó lòng mua vé, hi.....hi...


Vở chèo hôm nay, mình thật sự là ngưỡng mộ tài năng của nhà thiết kế Sỹ Hoàng, anh thiết kế những bộ trang phục thật đẹp, lộng lẫy mà lại rất sang trọng, không hoa lá lòe loẹt như một số vở ngày xưa mình được xem của các đoàn chèo khác, hihi, đúng là có đầu tư thì có khác. Nghe đâu tổng đầu tư cho vở diễn lên tới 300triệu đồng cơ mà. Bán vé với giá 150k thì cũng chẳng biết bao giờ có thể thu hồi được nhỉ? :((

Mẹ mình thì cứ nức nở khen bà Nguyễn Thị Lộ, đẹp người, đẹp nết. Bà kém Nguyễn Trãi đúng 24 tuổi, nên bà chết trẻ quá, khi đó Nguyễn Trãi mới 62 tuổi, còn bà mới 38 tuổi thôi mà. Vở chèo ngắn ngủi, mà lột tả được hết cái "thần" của Nguyễn Trãi, cái TÌNH sâu sắc, mặn nồng của bà dành cho ông. Ngưỡng mộ là phải rồi. Mình lười tóm tắt lại vở chèo quá, cọp pi trên nét về đây nhé



Vở diễn do NSND Doãn Hoàng Giang đạo diễn, kịch bản phỏng theo “Đêm Ức Trai” của tác giả Lê Quang Hà, nghệ sĩ Xuân Hanh chuyển thể chèo tái hiện lại vụ án “Lệ Chi Viên”, kể lại thời kỳ ông vua trẻ Lê Thái Tông dù có tài trị nước, nhưng lại đam mê tửu sắc, để hậu cung rối ren dưới sự lũng đoạn của thứ phi Nguyễn Thị Anh. Tham vọng quyền lực khiến Nguyễn Thị Anh dùng mọi thủ đoạn chiếm đoạt ngôi báu về cho con trai mình- Hoàng tử Lê Bang Cơ…

Uyên bác, thanh tao, chính trực, vợ chồng quan Gián nghị đại phu Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ trở thành cái gai nhức nhối trên bước đường hiện thực hóa những mưu đồ đen tối của phe cánh Nguyễn Thị Anh. Không chịu nổi chốn triều đình ngày một dâm ô, ngột ngạt, vợ chồng Nguyễn Trãi cáo quan về ở ẩn tại Côn Sơn, Chí Linh sống cùng người dân chân chất, chăm chỉ, đầy nghĩa khí.

Dù Nguyễn Trãi đã ở cách xa cung đình đến thế, nhưng Nguyễn Thị Anh vẫn chưa yên tâm khi người quân tử còn tồn tại trên cõi đời này. Cơ hội ngàn năm có một đã đến, vua Lê Thái Tông đi kinh lý vùng Đông Bắc, ghé vào Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi và mời ông về lại triều đình. Khi lên thuyền trở về kinh đô, Lê Thái Tông mời Nguyễn Thị Lộ theo hầu. Trong cái đêm định mệnh đã làm nên nghi án đầy dấu hỏi của lịch sử-“Lệ chi viên”, Lê Thái Tông say rượu và đột ngột băng hà. Được dịp, Nguyễn Thị Anh và đồng đảng của bà đã khép cho Thị Lộ tội mưu sát nhà vua theo lệnh Nguyễn Trãi. Án “tru di tam tộc" giáng xuống, trở thành bi kịch oan khuất vào bậc nhất của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Đây là một vụ án lịch sử vẫn còn gây nhiều tranh cãi về mối quan hệ giữa vua và Thị Lộ nên các nghệ sĩ có nhiều “đất” để khai thác câu chuyện lịch sử này. Lần đầu tiên, một vở chèo được dàn dựng với âm thanh, ánh sáng hiện đại bởi dàn đèn laser tạo nên hiệu ứng cho vở diễn. Với hơn 300 triệu đồng đầu tư cho 99 bộ trang phục từ dân đến vua, quan, đã được hoạ sĩ nổi tiếng Sỹ Hoàng thiết kế, khán giả được thấy những bộ trang phục đẹp lộng lẫy nhưng không loè loẹt, giản dị nhưng tinh tế và sang trọng.

Nói về điều này, NSƯT Nguyễn Thị Mùi-Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết, vở diễn cũng là bước đột phá để đáp ứng yếu tố thị trường, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khán giả bằng việc đầu tư đến những trang thiết bị hiện đại phối hợp với những giá trị nghệ thuật truyền thống để vừa bảo tồn, vừa phát huy nền nghệ thuật chèo.

Ngoài sự đổi mới trong việc thiết kế sân khấu, khán giả còn cảm nhận sự trẻ trung qua dàn diễn viên của Nhà hát Chèo Hà Nội tham gia vở diễn này, đa phần là thế hệ 8X: Thị Lộ (Thuý Lành sinh năm 1985, mới tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh), Tráng (Quang Dương), Thị Anh (Thanh Hiền), Hoạn quan (Quang Huy), Lê Thánh Tông (Quốc Phòng)… Đặc biệt là NSƯT Quốc Anh đã vào vai Nguyễn Trãi thật xuất thần. Nhiều năm qua, Quốc Anh được biết đến qua những vai hề méo mó, xộc xệch, nhưng Nguyễn Trãi của Quốc Anh vừa bi tráng, vừa giản dị thanh cao. Quốc Anh đã thực sự hoá thân vào nhân vật và khiến cho người ta không thể nhận ra lão “Lý Lác” nổi tiếng từng làm nên “thương hiệu” của anh.

“Oan khuất một thời” sẽ có hai đêm mở màn vào 18, 19-3, sau đó sẽ liên tục ra mắt khán giả tại sân khấu của Nhà hát Chèo Hà Nội và biểu diễn phục vụ nhân dân trong cả nước

1 nhận xét:

Mẹ Chic nói...

hay nhi. tao cung muon di xem.